Khi sơn nhà gặp vấn đề, giải quyết thế nào cho tốt?
26/03/2021Sơn nhà là bước cuối cùng để hoàn thiện mái ấm của bạn. Với lớp sơn hoàn hảo, căn nhà sẽ trở nên tươi mới, bắt mắt hơn. Tuy nhiên có những lúc bạn sẽ gặp vấn đề với chính lớp sơn này. Có thể do đội ngũ thiếu chuyên nghiệp hay do điều kiện khách quan bên ngoài. Tuy nhiên, dù do nguyên nhân này hay cách khác, việc nắm được vài mẹo nhỏ về lớp sơn nhà khi gặp sự cố sẽ giúp bạn chủ động hơn. Cùng lưu lại 4 lỗi thường gặp về sơn và cách giải quyết dưới đây nhé!
Sơn nhà và những vấn đề đau đầu cần giải quyết
Có một điều có thể bạn ít chú ý. Nếu ở trong thành phố, đa số các thiết kế theo kiểu nhà ống. Đây có thể là do quy hoạch, kiến trúc cùng mật độ nhà dày đặc. Chính nguyên nhân này dẫn đến nhà bạn bị thiếu ánh sáng tự nhiên. Không gian nội thất cũng vì thế mà ít có sự lưu thông của không khí. Đặc biệt, điều kiện khí hậu ở Việt Nam là nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, nhất là khu vực miền Bắc. Khi độ ẩm trong môi trường cao, nó sẽ dần thẩm thấu vào tường. Lâu dần lớp sơn của bạn sẽ xuất hiện rất nhiều vấn đề. Nấm mốc, bong tróc, phồng rộp, ngấm nước….
Cũng không thể phủ nhận có thể do chất lượng sơn, người thi công… Tất cả những yếu tố ấy khiến nhà bạn mất thẩm mỹ. Khi đó một lớp sơn mới là điều cần thiết. Cùng tham khảo vài cách dưới đây để “lên đời” lớp sơn nhà bạn.
Màng sơn xuất hiện tình trạng phồng rộp
Nguyên nhân
Sau một thời gian được khoác lên mình tấm áo sơn mới, bạn nhận ra một số vấn đề. Bức tường nhà bạn xuất hiện các vết phồng rộp không đều, mang tính cục bộ. Điều này có thể dẫn tới bong tróc nếu không được xử lý sớm. Nó không chỉ gây mất thẩm mỹ, khiến bụi bặm dễ bám vào tường nhà. Về lâu về dài còn ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Theo Mike Mundwiller, Giám đốc phát triển thị trường tại hãng sơn Benjamin Moore cho biết, vết phồng rộp hoặc bong bóng xảy ra khi màng sơn tách ra khỏi bề mặt tường.
Nguyên nhân thường gặp của hiện tượng trên là do sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm hoặc cả hai. Tình trạng này rất dễ khắc phục. Nhưng bạn cần phải tìm ra chính xác nguyên nhân gây ra vấn đề. Từ đó xác định liệu có tiếp tục xảy ra tình trạng phồng rộp trong tương lai hay không?
Cách xử lý
Đầu tiên, phải xử lý triệt để nguyên nhân gây ẩm tường nếu thấy xuất hiện các giọt nước chảy xuống từ bề mặt. Tiếp theo, hãy cạo bỏ hoàn toàn lớp sơn cũ. Bạn cần chà nhám và làm sạch bề mặt, loại bỏ bụi bẩn. Chờ từ 4-6 tuần cho hơi nước trong tường thoát ra. Khi tường khô hẳn rồi mới sơn lại cẩn thận theo đúng hệ thống. Thứ tự là bột bả, sơn lót và sơn hoàn thiện.
Ngoài ra, để tránh hiện tượng phồng rộp hay sủi bọt xảy ra sau khi sơn, Mundwiller cho biết cần tuyệt đối tuân thủ yêu cầu về độ ẩm, đồng thời làm sạch bề mặt tường, xử lý các khe nứt, vết nứt trong suốt quá trình thi công. Luôn đảm bảo rằng lớp sơn khô hoàn toàn trước khi tiếp tục sơn lớp thứ hai. Vị chuyên gia này cũng khuyến nghị nên sử dụng/lắp đặt quạt thông gió ở những khu vực có độ ẩm cao.
Lớp sơn trên tường bị rạn nứt, bong tróc
Nguyên nhân
Đừng xem nhẹ những vết nứt trên tường. Ban đầu, các vết nứt có thể rất nhỏ, nhưng theo thời gian sẽ lan rộng nếu không được khắc phục kịp thời, Mundwiller cho biết. Nguyên nhân khiến màng sơn bị nứt có thể là do tường bên trong bị nứt hay xử lý bề mặt chưa tốt. Bên cạnh đó, nếu bạn sử dụng loại sơn rẻ tiền, đàn hồi kém cũng có thể gây nên tình trạng trên. Đôi khi, sơn quá cũ hoặc được thi công trong điều kiện thời tiết quá lạnh hay gió mạnh làm màng sơn khô nhanh hơn bình thường và dẫn đến rạn nứt, bong tróc.
Một số khoảng tường có hiện tượng sơn bong tróc khỏi bề mặt là do người thợ vội vã quét lớp sơn thứ hai, thứ ba khi lớp sơn trước chưa kịp khô hoàn toàn, hoặc cũng có thể do lớp sơn lót không tương thích với lớp sơn hoàn thiện, Mundwiller giải thích.
Cách xử lý
Nếu không bị nứt xuống bề mặt tường, bạn có thể sử dụng bàn chải hoặc dao cạo bỏ lớp sơn bị nứt và sơn lại theo đúng hệ thống sơn đề nghị. Trong trường hợp vết nứt do mastic thì cần cạo bỏ cả lớp sơn và lớp mastic, chà nhám lại rồi mới sơn phủ bằng loại sơn cao cấp, Mundwiller cho biết.
Độ phủ của sơn kém
Màu sắc có tác động rất lớn đến giá trị thẩm mỹ của ngôi nhà. Đó là lý do vì sao việc lựa chọn màu sơn lại trở nên quan trọng đến vậy. Tuy nhiên, điều quan trọng không kém đó kỹ thuật sơn. Một lỗi thường gặp đó là quét sơn quá mỏng, theo Jenny Burroughs, Giám đốc sản phẩm cấp cao của PPG Paints. Nữ giám đốc cho biết: “Hãy luôn đảm bảo rằng phần cọ cũng được nhúng ngập trong sơn nhưng cũng tránh nhúng quá sâu làm sơn bám nhiều dễ hao phí. Đồng thời, luôn tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất khi sơn phủ”.
Màu sơn bị lệch tông, không đều
Đôi khi, bạn không nhất thiết phải sơn toàn bộ căn phòng mà chỉ sơn một vài khu vực nhỏ. Theo Mark Eichelberger, Giám đốc cao cấp của hãng sơn Architectural Paint tại Sherwin-Williams, thời gian sơn lại giữa các mảng tường cách xa nhau quá lâu sẽ dẫn đến hiện tượng khác màu, không có gì lạ khi thấy sự khác biệt rõ rệt về màu sắc giữa lớp sơn ban đầu với lớp sơn mới.
Để tránh hiện tượng này, Mark Eichelberger khuyên bạn hãy thử lau sạch vết bẩn trên tường bằng bọt biển mềm và dung dịch tẩy rửa nhẹ trước khi sơn lại. Nếu có thể, chủ nhà cũng nên sử dụng đúng lô sơn đã mua ban đầu.
>> Cập nhật kiến thức hữu ích về thi công, xây dựng tại: Kiến thức xây dựng
Nguồn: kienthucxaydung.com.vn